Họa sĩ huyền thoại theo trường phái Chủ nghĩa tối giản Agnes Martin luôn định hình cuộc sống của mình theo hướng nhìn tích cực. Trước khi mất 2 năm, bà đã nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2002 rằng: “Tôi tin vào việc chúng ta có thể sống vượt qua giới hạn an toàn. Trên những ranh giới là niềm hạnh phúc và tình yêu… Dưới lằn ranh giới đó là tất cả sự buồn bã, hủy diệt và bất hạnh. Và tôi sẽ không đi xuống những ranh giới đó vì bất kỳ điều gì.”
Bà Martin sinh ra ở Saskatchewan, Canada, vào năm 1912. Bà trở thành họa sĩ tiên phong và được yêu thích nhất ở thế kỷ 20. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, bà sống và làm việc ở New York. Từ những năm 1950 đến 1960, phần lớn nguồn cảm hứng của bà là để giải thoát bản thân khỏi trung tâm thế giới nghệ thuật và áp lực mà nó mang lại. Đến năm 1967, bà đột ngột rời khỏi Manhattan, nơi mà công việc của bà nhận được sự chào đón từ những người nổi tiếng như nghệ sĩ điện ảnh Betty Parson và họa sĩ Sol LeWitt. Bà chuyển đến vùng quê hẻo lánh Taos, New Mexico để tiếp tục niềm đam mê của mình.
Khác xa với những ý kiến của các nhà phê bình, chính tại nơi đó, bà Martin đã tìm được niềm hạnh phúc và làm nên nét nghệ thuật độc đáo của riêng mình. Những tác phẩm của bà chứa nhiều góc cạnh được xây dựng từ màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng cùng sự sắp xếp các đường nét sống động. Các tác phẩm của bà vừa yên tĩnh, vui tươi, siêu việt, vừa được truyền cảm hứng từ cuộc sống ẩn dật mà bà trải qua. Thêm vào đó phong cảnh sa mạc và những lý tưởng của Đạo giáo về sự cân bằng và hài hòa mà bà ủng hộ cũng ảnh hưởng đến tác phẩm của bà Martin.
Trong khi phải đương đầu với cuộc sống hầu như đơn độc, bà đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn và diễn thuyết trong nhiều năm. Bà để lại những bài viết, bao gồm cả bài luận nổi tiếng năm 1987, Vẻ đẹp là bí ẩn của cuộc sống. Cùng với nhau, những văn bản này cung cấp một cái nhìn thoáng qua về những ý tưởng và nghi lễ mà Martin đã sống, cũng như những nguồn cảm hứng đã nuôi dưỡng sự thực hành phong phú của bà ấy. Dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến một số lời khuyên về cách trở thành một nghệ sĩ từ Chủ nghĩa tối giản ẩn dật, mang tính cách mạng.
Lời khuyên số 1: Đặt nghệ thuật lên trước cái tôi

Bà từng học ở đại học Columbia. Bà sống ở New York trong thời kỳ các họa sĩ bắt đầu đạt được vị thế và trở nên nổi tiếng. Các họa sĩ theo trường phái Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng như Jackson Pollock đã tạo nên tiếng vang trong nước và tự hào trong các buổi đi chơi của các câu lạc bộ nam sinh như Greenwich Village’s Cedar Tavern. Bà Martin cảm thấy chán ghét và muốn tránh xa những điều này, bởi bà nghĩ rằng những người nghệ sĩ chỉ đang ngày càng tự tin thái quá vào bản thân mình.
Trong một lần phỏng vấn năm 1997 với Chuck Smith và Sono Kuwayama, khi đó bà đã 85 tuổi, bà chia sẻ rằng: “Điều tệ nhất mà bạn có thể nghĩ đến khi làm việc là bản thân bạn”. Đối với bà, chuyển đến New Mexico đồng nghĩa với việc trốn đến nơi mà bà có thể tập trung vào tác phẩm của mình, thay vì bị cuốn vào suy nghĩ về sự nổi tiếng. “Thỉnh thoảng trong tâm trí, tôi đặt bản thân lên trước công việc và rồi tôi phải gánh chịu hậu quả. Tôi đã phải chịu áp lực từ danh vọng trong sự cô độc, và áp lực từ chính công việc, từ đó khiến bản thân tôi phải chịu áp lực gấp bội”.
Ở một cuộc phỏng vấn khác vào năm 1976 với nhà phê bình nghệ thuật John Gruen, bà Martin đã kết nối khái niệm cái tôi của nghệ sĩ với niềm kiêu hãnh, bà đặt tên cả hai là kẻ thù không đội trời chung là sự sáng tạo và hạnh phúc. “Đó là niềm tự hào và nỗi sợ hãi bao trùm tâm trí. Sự kiêu ngạo làm bạn mờ mắt.… Nó không để lại bất cứ điều gì… nó thúc đẩy bản ngã của bạn, tạo ra mọi lý do bào chữa cho bạn.” Trong cùng một tuyên bố, bà lưu ý rằng mặc dù cần phải có thời gian và nỗ lực lớn “để chống lại sự kiêu ngạo và loại bỏ nó hoàn toàn,” quá trình này là cần thiết để tìm ra sự rõ ràng và tạo ra công việc có ý nghĩa.
Lời khuyên số 2: Tránh việc so sánh bản thân với các nghệ sĩ khác

Khi bà Martin trở thành bạn bè với những nghệ sĩ như LeWitt, Anne Truitt, và Ad Reinhardt trong những ngày bà ở New York, bà đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc tránh so sánh giữa thực hành nghệ thuật và nội dung trong tác phẩm. Bà từng nói với người vẽ tranh lâu năm của mình, Arne Glimcher rằng “Nếu Picasso lướt qua tâm trí bạn khi bạn đang vẽ, tất cả sẽ kết thúc.”,
Bà cũng tin rằng việc so sánh tác phẩm của một nghệ sĩ với tác phẩm của những người nghệ sĩ khác sẽ chỉ cản trở khả năng tạo ra những tác phẩm nguyên bản, độc đáo. Bà cũng nhấn mạnh rằng một người nghệ sĩ nên tiếp tục sáng tạo các tác phẩm của riêng mình và rèn luyện trên con đường của bản thân. Bà từng nói rằng bản thân không tin vào sự ảnh hưởng. Bà giải thích với Gruen: “Tôi nghĩ rằng để trở thành một nghệ sĩ, bạn phải di chuyển. Khi bạn ngừng di chuyển, thì bạn không còn là một nghệ sĩ nữa. Mọi người đều có quan điểm riêng của mình. Và tôi nghĩ sau khi bạn đã thực hiện được một bước, bước tiếp theo sẽ tự xuất hiện.”
Lời khuyên số 3: Biến phòng tranh của bạn thành nơi tôn nghiêm để tạo cảm hứng

Trong những năm đầu ở New York, bà Martin sống trong một mê cung nhộn nhịp, đổ nát của các phòng tranh. Nơi này được gọi là Coenties Slip. Bà sống cùng với Jasper Johns và Ellsworth Kelly ở đó. Nhưng bà sớm nhận ra một môi trường hỗn loạn có tính xã hội cao không có lợi cho công việc của mình. Chẳng bao lâu sau, bà chuyển đến một phòng tranh thanh bình ở sa mạc New Mexico.
“Phòng tranh không phải là nơi để nói chuyện với bạn bè. Bạn sẽ ghét bạn bè của mình nếu họ phá hủy bầu không khí trong phòng tranh của bạn.” Sau đó bà viết trong một bức thư viết tay: “Bạn chẳng thề trông chờ vào sự sáng suốt trong tâm trí. Mọi thứ dần trở nên vô vọng nếu không khí trong phòng tranh của bạn không được giữ gìn”.
Vì vậy, bà Martin chỉ cho phép một vài vị khách vào phòng tranh của bà ấy. Bà từng giải thích với Smith và Kuwayama về điều này: “Những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống xảy đến với bạn khi bạn ở một mình”. Nhiều thập kỷ trước đó, bà ấy cũng đã nói với Gruen: “Nếu bạn sống theo trực giác, giống như việc mà tất cả các nghệ sĩ đều làm, thì đôi khi bạn phải đợi rất lâu để tâm trí cho bạn biết bước tiếp theo phải thực hiện.… Khi bạn ở cùng những người khác, tâm trí của bạn không phải của riêng bạn nữa rồi. “
Sự ngăn nắp và tổ chức cũng là điều rất quan trọng đối với bà, nó thể hiện sự cam kết và tôn trọng công việc. Bà giải thích: “Bạn phải dọn dẹp và sắp xếp phòng tranh của mình theo cách mà có thể mang lại trạng thái yên tĩnh cho tâm trí.” Sự chăm lo cẩn thận cho bầu không khí ở phòng tranh thực sự cần thiết để thể hiện sự tôn trọng đối với công việc.
Lời khuyên số 4: Trau dồi hạnh phúc và công việc sẽ đến từ đó

Bà Martin tin rằng công việc tốt nhất của bà đến từ niềm hạnh phúc cá nhân. Đó là điều mà bà đã trao đổi với rất nhiều người. Bà từng giải thích trong một bài giảng năm 1987 tại Trường Hội họa và Điêu khắc Skowhegan: “Mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc. Khi bạn đáp lại cuộc sống như thể nó hoàn hảo, đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc”. Đối với bà, “Đó cũng là cách để tạo ra tác phẩm nghệ thuật tích cực.”
Khi tìm kiếm nguồn cảm hứng, bà thường nói với các nghệ sĩ, rằng hãy tự hỏi: “Tôi cảm thấy hạnh phúc như thế nào với giai điệu này hoặc bức tranh này?”. Câu trả lời có thể là bàn đạp cho công việc của họ và giúp họ hiểu rõ hơn về bản thân. Bà còn nói “Hãy biến hạnh phúc thành mục tiêu của bạn. Hãy tự nói với chính mình: ‘Tôi thích gì và tôi muốn gì…’ Hãy hỏi tâm trí của bạn để có cảm hứng về mọi thứ.”
Đối với bà Martin, các khái niệm về hạnh phúc và vẻ đẹp được kết nối với nhau. Hình ảnh hai người chăm sóc cho nhau cũng mang đến ý tưởng cho tác phẩm của bà ấy. Đối với bà “Vẻ đẹp minh họa cho hạnh phúc; gió trên cỏ, những con sóng lấp lánh nối tiếp nhau, tiếng chim bay, tất cả đều nói lên niềm hạnh phúc”. Nhưng những niềm hạnh phúc đó không giống nhau, “Bầu trời trong xanh minh họa cho một kiểu hạnh phúc khác và đêm tối êm dịu là một kiểu khác.”
Nhờ quan sát vẻ đẹp tự nhiên của thế giới, cùng cảm hứng từ sự hạnh phúc và bình yên, bà đã có thể vẽ nên những tác phẩm tuyệt đẹp. Bà từng viết trong phần mở đầu bài luận năm 1989 của mình: “Khi tôi nghĩ về nghệ thuật, tôi nghĩ đến cái đẹp. Vẻ đẹp là bí ẩn của cuộc sống. Nó không nằm trong đôi mắt mà nằm trong tâm trí. Và ở nơi đó, chúng ta luôn có nhận thức về sự hoàn hảo”.
Nguồn: Agnes Martin on How to Be an Artist
Leave a Reply